Theo khảo sát hiện nay, sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội cũng như các thành phố lớn đa phần là đến từ các tỉnh khác. Một số trường sẽ có ký túc xá cho một lượng sinh viên nhất định, tuy nhiên thì số còn lại sẽ phải đi thuê nhà ở ngoài.
Việc thuê nhà sẽ vướng phải rất nhiều vấn đề, trong đó vấn đề đăng ký tạm trú là quan trọng nhất!
Xem thêm: “Bốc bát họ” là gì? “Bốc bát họ” có vi phạm pháp luật không?
Đăng ký tạm trú như thế nào?
Theo khoản 1, khoản 2 điều 30 Luật Cư trú 2006 quy định về đăng ký tạm trú như sau:
1. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.
2. Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
Như vậy, những người nếu sinh sống và học tập, làm việc xa nhà, cần phải đăng ký tạm trú với công an tại địa phương đang sống. Việc đăng ký này sẽ tốn một số thời gian và yêu cầu những thông tin như: Chứng minh thư, sơ yếu lý lịch, hộ khẩu, thông tin về gia đình… Sinh viên ngày nay thường hay bỏ quên khâu đăng ký khi thuê nhà ở tại thành phố, chính vì vậy nhiều trường hợp không như mong muốn đã xảy ra. Do vậy, sinh viên cần phải hiểu về những hậu quả nếu bị xử phạt về việc không đăng ký tạm trú là gì.
Không đăng ký tạm trú sẽ bị xử phạt ra sao?
Khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình đưa ra mức xử phạt vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Thời gian du di sẽ có hiệu lực khoảng 30 ngày từ khi bắt đầu đến sinh sống tại địa phương. Có nghĩa là trong 30 ngày, sinh viên phải tiến hành đăng ký tạm trú ở tại trụ sở công an phường, xã, thị trấn đang sinh sống. Nếu quá 30 ngày mà vẫn chưa đăng ký tạm trú, công an có quyền bắt và phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Lời kết
Như vậy, việc tôn trọng luật pháp nói chung cũng như đăng ký tạm trú cho sinh viên nói riêng là rất quan trọng. Sinh viên cũng như bố mẹ cần chú ý nhắc nhở, thực hiện để tránh xảy ra những sai lầm không đáng có, gây ảnh hưởng tới việc học tập và tài chính trong thời gian sinh sống xa quê hương.
Phan Anh