Khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp, người chủ doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký mẫu dấu nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Con dấu của doanh nghiệp là dấu hiệu đặc biệt, không được trùng lặp, nhằm phân biệt các doanh nghiệp với nhau. Con dấu pháp nhân chính là một tài sản quý giá của doanh nghiệp vì nó thể hiện tính pháp lý trong mỗi hợp đồng, văn bản ký kết của doanh nghiệp.
1. Quy định về con dấu pháp nhân
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định về số lượng, hình thức và nội dung của con dấu. Theo đó, chủ sở hữu doanh nghiệp, hội đồng thành viên, hội đồng cổ đông có quyền tự quyết định về số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, trừ trường hợp có quy định khác tại Điều lệ công ty. Mẫu dấu phải được thể hiện dưới hình thức cụ thể (như hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác).
Con dấu pháp nhân phải được thống nhất về nội dung, hình thức, kích cỡ trên đó phải có đầy đủ thông tin về tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác hoặc địa chỉ của doanh nghiệp lên mẫu dấu.
Doanh nghiệp không được phép sử dụng các hình ảnh về Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng hoặc các hình ảnh, biểu tượng tên của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội hoặc không được phép sử dụng những hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
>>> Xem thêm: Thủ tục thành lập doanh nghiệp
2. Thủ tục khắc con dấu pháp nhân
Sau khi doanh nghiệp được thành lập và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp đến các cơ quan khắc dấu để khắc dấu công ty. Cơ quan khắc dấu tiến hành khắc dấu cho doanh nghiệp trong thời gian từ 01 đến 02 ngày làm việc.
Sau đó, doanh nghiệp cần đăng bố cáo trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Thông báo về việc sử dụng mẫu dấu của doanh nghiệp
Quyết định về việc sử dụng mẫu dấu của doanh nghiệp
Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2014 và Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định về vấn đề sử dụng con dấu pháp nhân, giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu và thông báo mẫu dấu đối với doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01/07/2015 như sau:
Tiếp tục sử dụng mẫu dấu đã được cấp và không cần thông báo mẫu dấu đang sử dụng với cơ quan đăng ký kinh doanh nữa.
Trường hợp doanh nghiệp muốn khắc thêm con dấu hay thay đổi màu mực thì phải tiến hành thông báo thay đổi mẫu dấu.
Nếu doanh nghiệp muốn làm mẫu dấu mới thì phải tiến hành nộp lại con dấu cũ và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp giấy. Cơ quan công an sẽ tiếp nhận lại mẫu dấu cũ và cấp Giấy biên nhận lại con dấu của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp bị mất dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì được làm lại con dấu pháp nhân mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải thông báo mất dấu, mất Giấy chứng nhận mẫu dấu với cơ quan công an nơi đã cấp.
Trên đây là những quy định sử dụng và thủ tục đăng ký con dấu pháp nhân. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức để tiến hành đăng ký dấu pháp nhân được nhanh chóng nhất.
>>> Tham khảo thêm: Các bước thành lập doanh nghiệp
Phương Anh