Đọc thêm: Những vụ án bí ẩn nhất mọi thời đại (phần 1)
Khái niệm
Dấu vân tay (finger print) là một đặc điểm riêng, một “chữ kí sinh học” mà bất kì ai cũng có. Ngay cả hai anh em song sinh, hoặc cùng DNA cũng sở hữu các dấu vân tay khác nhau. Vì thế, dấu vân tay có rất nhiều tác dụng trong khoa học chứng thực.
Một vai trò quan trọng của việc sử dụng dấu vân tay đó là trong việc điều tra tội phạm. Một số vụ án rất hóc búa do hung thủ chuyên nghiệp không để lại bất kỳ chứng cứ nào tại hiện trường. Khoảng chục năm trước thì đa phần các cảnh sát điều tra đều “bó tay” với các vụ án như thế này. Tuy nhiên với sự ra đời của sinh trắc học, cùng việc ứng dụng điều tra dấu vân tay vào khoa học hình sự, thì truy tìm hung thủ đã trở nên dễ dàng hơn.
Nhưng dấu vân tay có những loại nào? Và cách sát làm cách nào để có thể lấy được dấu vân tay để đối chiếu, từ đó truy tìm kẻ xấu? Tất cả sẽ được congnghesohoa.com giải đáp sau đây:
Dấu vân tay có những loại nào?
Vân tay có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ những vật rắn như bàn, ghế, tủ, mặt phẳng tường nhà… cho tới các vật dụng mềm như khăn tay, quần áo, xà bông… Tuỳ vào độ khó nhận dạng mà thu thập được vân tay, ta sẽ phân ra làm hai loại: Vân nổi (patent print), vân chìm (latent print).
Vân nổi
Vân nổi là các dấu vân tay được tìm thấy một cách dễ dàng, thậm chí nhìn được bằng mắt thường. Sở dĩ vân nổi dễ thấy là vì nó nổi trên bề mặt khi có máu, bụi, mực, cát… cấu thành. Các vân nổi thường khá dễ phát hiện, chính vì lý do đó nên hung thủ có thể dễ dàng xoá bỏ dấu vết vân nổi khi gây án.
Vân chìm
Loại thứ hai khó nhìn thấy hơn và chủ yếu phải dùng các biện pháp chuyên dụng, gọi là vân chìm. Vân chìm được hình thành khi dầu, mồ hôi của kẻ gây án bám vào các vật dụng khác, tạo nên một đường vân không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Loại vân này rất khó để phát hiện (gần như không thể), khiến cho việc tìm kiếm mất rất nhiều thời gian, và đôi khi kết quả không chính xác lắm. Tuy nhiên nó lại rất dễ xuất hiện, hung thủ chỉ cần sơ xuất chạm nhẹ tay vào bất kì một vật nào đó là đã để lại dấu vân chìm.
Phân loại khác
Ngoài ra, ta có thể phân loại theo vân cứng, là các vân in trên bề mặt cứng như bàn, ghế, tường, sàn nhà… Hay vân mềm, là các vân in trên các bề mặt mềm như xà bông, khăn tay, quần áo… Tiếp theo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các thủ pháp dùng để thu thập dấu vân tay nhé!
Các thủ pháp thu thập dấu vân tay
Đa phần các thủ pháp thu thập dấu vân tay đều chỉ áp dụng với các loại vân cứng. Vì vân mềm do in trên các về mặt dễ thay đổi, nên qua đó hình dạng của vân cũng sẽ biến dạng theo, gây ra khó khăn trong việc so sánh kết quả.
Thu thập vân nổi
Vân nổi vì dễ phát hiện nên thủ thuật thu thập cũng rất đơn giản, đó là chụp ảnh. Tuy nhiên, cảnh sát thường dùng những loại máy ảnh có độ phân giải cao để cho ra những tấm ảnh sắc nét nhất. Những tấm ảnh có lưu trữ vân nổi sẽ được chuyển thành đen trắng, sau đó đối chiếu với vân tay của nghi phạm để tìm ra điểm khớp. Nếu hai dấu vân tay khớp nhau quá 92% thì sẽ kết luận là trùng khớp hoàn toàn.
Thu thập vân chìm
Với các dấu vân tay chìm trên bề mặt đồ vật thì biện pháp chụp ảnh không còn sử dụng được nữa, thay vào đó họ sẽ sử dụng các thủ pháp chuyên dụng sau:
1.Sử dụng bột lưu vân tay
Đây chính là phương pháp phổ biến nhất dùng để thu thập vân chìm. Đầu tiên, cảnh sát sẽ phủ một lớp bột lưu vân tay lên bề mặt, sau đó thổi đi là những dấu vân chìm sẽ biến thành dấu vân nổi. Cuối cùng chỉ việc áp dụng thủ pháp giống như thu thập vân nổi là có được dấu vân tay của thủ phạm. Tuy nhiên, thủ pháp này thường dễ làm phá hỏng hiện trường vụ án do bột vương vãi, khiến cho việc điều tra bị ảnh hưởng. Vì thế, trước khi sử dụng phương pháp này thì hãy thử các phương pháp lấy dấu vân chìm khác.
2.Sử dụng nguồn sáng
Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng phương pháp này thật sự hữu dụng hơn sử dụng bột lưu vân tay. Đó là sử dụng một thiết bị chiếu sáng đèn led (hoặc laser) và soi lên các bề mặt trong phòng tối để kiểm tra dấu vân tay. Lúc đó, hình ảnh của dấu vân tay sẽ hiện lên rõ rệt và ta lại chụp ảnh để lấy mẫu đối chiếu. Nhược điểm duy nhất của phương pháp này đó là không sử dụng được trong ban ngày ở các vụ án ngoài trời.
3.Sử dụng Cyanoacrylate
Đây là tên một loại keo siêu dính, sử dụng dưới dạng phun sương. Các nhà điều tra sẽ phun một lớp Cyanoacrylate lên các bề mặt cứng như mặt kính, gương, kim loại trước khi phủ bột hoặc đổ màu lên trên. Khi đó, dấu vân tay sẽ từ từ hiện lên dưới ánh sáng thông thường, dễ dàng phục vụ cho việc thu thập.
Đó là một số kiến thức bổ ích mà congnghesohoa.com chia sẻ, hi vọng sẽ giúp mọi người hiểu thêm về kỹ thuật truy tìm tội phạm bằng việc thu thập dấu vân tay.
Phan Anh