PHẦN 1: NUÔI CON KHÔNG PHẢI LÀ CUỘC CHIẾN
Chương: Ăn ngủ tự lập – Mẹ nhàn con ngoan
- NẾP SINH HOẠT EASY(1)
Sau một thời gian dài tư vấn và giúp đỡ các mẹ có con nhỏ ở các lứa tuổi khác nhau, tôi nhận thấy vấn đề được nhiều mẹ quan tâm và yêu cầu giúp đỡ liên quan tới chuyện ăn và ngủ không đúng giờ giấc của các con. Những câu hỏi như: “Con mình ăn lắt nhắt lắm, bé chỉ ăn khi ngủ thôi, mình toàn phải chờ đến khi con ngủ mới cho ăn được, đêm con dậy ăn liên tục trong khi cả ngày con chẳng ăn gì” thực ra đều có cùng một câu trả lời và luôn luôn bắt đầu từ nền tảng cơ bản nhất: đưa con về nếp sinh hoạt EASY.
Vậy nếp sinh hoạt EASY là gì? Thực hiện nó như thế nào cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ? Và EASY sẽ giúp ích gì cho bạn trong việc tạo lập và xây dựng một thói quen, nề nếp sinh hoạt chuẩn mực cho con từ nhỏ tới lớn và giúp cho bạn tận hưởng khoảng thời gian nuôi con đầy vui vẻ và không đẫm nước mắt, lo âu.
- Ăn – chơi – ngủ – mẹ thư giãn (EASY)
Eat – Activity – Sleep – Your time (EASY) là khái niệm về chu kỳ sinh hoạt cho trẻ được Tracy Hogg giới thiệu trong bộ sách cẩm nang nuôi dạy trẻ sơ sinh nổi tiếng Baby Whisperer của mình. Hiểu đơn giản EASY là chu kỳ sinh hoạt lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian ngắn từ sáng sớm thức dậy đến hết ngày của một em bé ngay từ ngày lọt lòng.
Một ngày của bé sẽ là những chuỗi lặp đi lặp lại của nhiều chu kỳ EASY. Bé ngủ dậy sẽ được ăn (E – eat), sau đó mẹ cho bé chơi vận động (A – activity), mẹ đặt bé xuống cho bé ngủ (S – sleep) và mẹ có thời gian thư giãn (Y – your time). Khi bé ngủ dậy, bé lại được tiếp tục đi vào chu kỳ EASY mới: ăn, chơi, ngủ và thời gian dành cho mẹ. Cứ như vậy lặp đi lặp lại cho đến khi bé đi vào giấc ngủ đêm, kết thúc một ngày của mẹ và bé.
- Lợi ích của EASY là gì?
Lợi ích cho bé
Cũng như mọi cá thể khác, tuy nhỏ bé và khả năng hiểu biết có hạn chế đến đâu đi chăng nữa, nếu được áp dụng EASY từ sớm thì dần dần bé sẽ có thể tự nhận biết được việc gì sẽ đến tiếp theo, bởi trình tự của mọi hoạt động là không bao giờ thay đổi, điều này tạo nên nhịp sinh học đầu đời cho bé. Bé cảm thấy chủ động và tự tin bởi bé biết sau khi ngủ dậy mình được ăn, khi ăn xong mình được chơi và khi mệt mình sẽ được đi ngủ. Đây là nền tảng cơ bản nhất để xây dựng LÒNG TIN của bé với mẹ, bởi nếu mẹ tôn trọng chu kỳ của bé, bé hiểu và bé có thể chờ đợi điều gì sắp đến với mình.
Mẹ có thể nghĩ rằng, con bé tí thế biết gì mà hiểu! Nếu mẹ nào đã học qua môn sinh học lớp 7 chắc còn nhớ về bài học phản xạ có điều kiện: bật đèn thì cho chuột ăn, hay vỗ tay thì cho cá ăn. Sau đó mỗi khi bật đèn chuột sẽ chạy đến và mong chờ thức ăn, hoặc khi vỗ tay cá sẽ lên và hy vọng có mồi. Ví dụ vậy thôi để hiểu rằng, con người hay động vật, dù mức độ phát triển có khác nhau đến đâu cũng là những cá thể hoạt động theo thói quen, cái mà chúng ta hay gọi là nhịp sinh học.
Vì thế, nếu mẹ nắm bắt được đặc tính này và “kết nối” được với nhịp sinh học của con sớm bao nhiêu, con càng có điều kiện phát biểu nhu cầu bấy nhiêu, điều đó có lợi cho con nhiều nhất.
Lợi ích cho mẹ
Khi mẹ và con sinh hoạt theo EASY, mẹ không nhầm lẫn các tín hiệu con “phát” ra, mẹ không bị nhầm tiếng khóc vì con mệt muốn đi ngủ với khi con đòi ăn, hay tiếng khóc con chán muốn thay đổi trò chơi, hoặc khóc bởi con đau bụng. Khi đó, mẹ sẽ biết cách phản ứng với từng nhu cầu khác nhau của bé. Mẹ hiểu bé và bé được tôn trọng về nhu cầu, tránh tình trạng cho ăn lắt nhắt cả ngày do mẹ sợ con đói hay muốn con ngừng khóc, và sau này (bạn sẽ thấy) tránh được vô vàn các vấn đề ăn ngủ phức tạp của con khi con bước vào giai đoạn 4, 6, 10 hay 14 tháng. Đây cũng là cách mà mẹ có thể tránh được cảnh sẽ phải ép con ăn.
Ví dụ, bé M, 1 tháng tuổi đang sinh hoạt theo nếp EASY 3h, tức là chu kỳ ăn – chơi – ngủ của bé lặp đi lặp lại sau mỗi 3h. Bé sẽ được ăn, sau đó được ợ hơi, mẹ sẽ thay bỉm cho bé, có thể cho bé đi tắm nắng, mát xa hay cho bé tập nằm sấp. 45 phút sau khi ăn, tự nhiên bé khóc, rấm rứt không yên.
– Nếu là một người mẹ EASY, lúc này mẹ sẽ tự tin là con không đói, vì con mới ăn cách đó có 45 phút, mẹ sẽ biết cho bé lên giường đi ngủ. Bé sẽ ngủ đủ một giấc sâu 2h, bé sẽ dậy khi cơn đói tiếp theo làm phiền bé, và đó cũng vừa đủ 3h từ giờ ăn trước, bé sẽ ăn. Và bởi bé đói, bé sẽ ăn no, rồi chơi và tiếp tục đi ngủ.
– Nếu là một người mẹ không theo EASY, khả năng rất cao là mẹ lại tiếp tục cho con bú, bé sẽ bú rất ít sữa đầu và ngủ gật trên ti mẹ. Bé ăn thêm một chút xíu và được ngủ trên ti mẹ, lâu dần đây sẽ là cách duy nhất có thể đưa bé vào giấc ngủ. 30 phút sau, khi bé chuyển giấc ngủ, vì không có ti mẹ ngậm ở miệng, bé dậy gào khóc. Mẹ không hiểu chuyện gì xảy ra, lại tiếp tục cho ăn. Bé lại ăn rất ít bởi bé không đói hẳn, lại ngủ gật, lại 45 phút ngủ dậy bé hoặc hơi đói, hoặc thấy trong miệng không có ti, không ngủ đủ giấc, bé quấy khóc và mẹ thì hoàn toàn bất lực không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mẹ suốt ngày cho ăn, dù cho ăn nhiều lần mà mãi bé không tăng cân, bởi bé chưa một lần học cách ăn no và ngủ đủ!
Do đó, EASY tạo sự tự tin cho mẹ, giúp mẹ hiểu và biết làm gì mỗi khi con khóc.
Lợi ích lâu dài
Nếu bạn tiếp tục đi hết cuốn sách này, bạn sẽ thấy chúng tôi khuyến khích việc cho con ăn no, chơi tự lập và TỰ NGỦ, EASY chính là nền tảng cơ bản của phương pháp đó. Như bạn có thể thấy, trình tự trong chu kỳ EASY tách rời việc ăn và ngủ bởi giai đoạn hoạt động: CHƠI. Con được khuyến khích tự đi ngủ khi đã mệt và con không ngủ trên ti mẹ, do đó khi chuyển giấc ngủ (chu kỳ ngủ của bé rất ngắn, cứ sau 40 phút bé hết 1 chu kỳ ngủ, trở mình tỉnh giấc và đi vào chu kỳ ngủ tiếp theo, mỗi giấc ngủ của bé sẽ gồm nhiều chu kỳ ngủ ngắn), bé không cần ti mẹ để ngủ lại, và bé không ăn vặt chỉ để làm “mồi” cho việc ngủ. Do đó khi thức dậy, bé thực sự đói để ăn no và khi bé ăn no bé có đủ năng lượng để ngủ đủ cho đến khi đói. Mẹ cũng không bị dính lấy bé vì bé cần ti mẹ để ngủ, có thời gian chăm sóc bản thân mình và gia đình. Vì thế, chúng tôi tin rằng EASY là chìa khóa để đi đến nếp sinh hoạt ăn ngủ điều độ cho cả gia đình.
Khi con lớn, chu kỳ EASY của con sẽ dài ra. Tuy rằng không một trẻ nào giống trẻ nào, nhưng khoa học cho thấy các bé đều trải qua những giai đoạn phát triển tương đối đồng nhất trong năm đầu của cuộc đời với các chu kỳ phát triển kĩ năng và những chu kỳ phát triển thể chất (Chương 2). Theo đó, những chu kỳ EASY cũng thay đổi theo.
- Chu kỳ EASY 3 giờ
Khi nào: Bé từ 0 – 3 tháng tuổi.
Cách làm: Cho ăn cách nhau 3 giờ. Cho con ngủ ứng theo bảng thời gian thức tối đa ở trang 36, hoặc mẹ nhìn tín hiệu của con và đặt con ngủ.
Một bé mới sinh, đủ ngày đủ tháng và cân nặng đạt trên 2,7kg có đủ kĩ năng và khả năng tích trữ năng lượng trong 3 giờ. Có nghĩa là nếu bé ăn no thì 3 giờ sau bé mới đói. Do đó, bé sơ sinh đủ cân đủ tháng sẽ phù hợp với chu kỳ EASY 3 giờ. Chu kỳ này sẽ theo bé đến 2 – 3 tháng tuổi.
Tổng thời gian thức kể cả ăn: 6 – 8 giờ và tổng thời gian ngủ không kể ăn: 16 – 18 giờ. Ở độ tuổi này bé có thể dậy đêm ăn 1 – 3 lần, cách nhau 3 giờ và mẹ cho ăn xong đặt bé xuống để bé ngủ lại mà không có hoạt động vận động gì.
Giả sử sáng bé dậy lúc 7h sáng (trong trường hợp bé dậy sớm hoặc muộn hơn thì chu kỳ sẽ xê dịch theo bé):
° 7h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, chơi vận động(A).
° 8h – 10h: Bé ngủ giấc ngắn 1(S) và mẹ nghỉ ngơi (Y).
° 10h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, vận động (A).
° 11h – 13h: Bé ngủ giấc ngắn 2 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y).
° 13h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, vận động (A).
° 14h – 16h: Bé ngủ giấc ngắn 3 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y).
° 16h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, được chơi vận động (A).
° 17h – 17h30: Bé ngủ giấc ngắn 4 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y).
° 17h30: Bé tỉnh dậy sau một giấc ngắn 30 phút, bé chưa đói nên mẹ cho bé chơi.
° 18h30: Mẹ tắm cho bé và thực hiện trình tự chuẩn bị cho bé ngủ đêm
° 19h: Bé ăn và đi ngủ đêm luôn.
- Chu kỳ EASY 4 giờ
Khi nào: Khi bé có tín hiệu cắt bớt một giấc ban ngày và giãn bữa ăn, thường ở mốc 3 tháng tuổi.
Tín hiệu: Bé đang theo EASY 3 giờ, tự nhiên ăn giảm sút, giấc ngủ ngày ngắn lại, giấc ngủ đêm có thể dậy nhiều lần, có hoặc không ăn nhưng rất khó để cho bé ngủ lại. Có bé nằm chơi giữa đêm khuya cả tiếng.
Cách làm: Tăng thêm thời gian thức trước mỗi giấc ngủ ngày và trước giấc ngủ đêm. Ví dụ trước đây bé thức 1 giờ, ngủ 2 giờ thì khi có tín hiệu giấc ngủ này bị ngắn lại, mẹ có thể để bé thức 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng rồi để con ngủ 2 tiếng và dần chuyển các bữa ăn thưa ra.
4 tháng tuổi, khi dạ dày của bé phát triển hơn, bé lớn hơn và có khả năng ăn nhiều hơn ở một lần, hệ tiêu hóa phát triển chắt lọc được nhiều chất dinh dưỡng hơn từ thức ăn, khả năng tích trữ năng lượng cao hơn, bé có thể chuyển sang chu kỳ EASY 4 giờ. Chu kỳ này sẽ theo bé đến 7 – 8 tháng tuổi, thậm chí lâu hơn đến hết năm đầu đời. Một số bé có thể cắt hoàn toàn ăn đêm từ thời điểm này, thậm chí nếu phát triển nhanh, bé có thể đã sẵn sàng cho việc cắt ăn đêm và sinh hoạt chu kỳ 4 giờ từ sớm rất nhiều.
Với mẹ Hà, bạn lớn Alexis sinh hoạt theo EASY 4 giờ từ 4 tháng nhưng bạn bé Emily đã sẵn sàng với EASY 4 giờ từ 8 tuần tuổi.
Đây thường là lúc mà vấn đề trở nên trầm trọng nếu mẹ không linh hoạt cho con ăn thưa ra, khăng khăng thực hiện cho ăn quá dày đặc dẫn đến việc bé ăn vặt và ngủ vặt, cả ngày quấy khóc và đêm dậy nhiều lần.
Ở độ tuổi này bé có thể dậy đêm ăn 1 lần, nhiều bé đã có thể tự kéo dài ngủ qua đêm đến 7 giờ sáng hôm sau không cần dậy ăn. Tín hiệu cho mẹ biết con cần nghỉ ăn đêm là khi việc ăn uống ban ngày của con trở nên khó khăn. Con không hợp tác trong việc ăn uống do được cho bú nhiều vào đêm dẫn đến bú vặt ban ngày.
Đồng thời, khoa học cũng cho thấy là ở những độ tuổi khác nhau, với mức độ phát triển về thần kinh tương ứng thì bé sẽ có thể thức được những khoảng thời gian khác nhau trước khi trở nên quá mệt nếu không bé sẽ cáu gắt. Ngược lại, nếu bé ngủ ngày quá nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng ngủ vặt ban ngày và thức đêm (xem bảng ngủ theo lứa tuổi).
Giả sử sáng bé dậy 7h (trong trường hợp bé dậy sớm hoặc muộn hơn thì chu kỳ sẽ xê dịch theo bé):
° 7h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, vận động (A).
° 9h – 11h: Bé ngủ giấc ngắn 1(S) và mẹ nghỉ ngơi (Y).
° 11h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, được chơi vận động(A).
° 13h – 15h: Bé ngủ giấc ngắn 2 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y).
° 15h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, được chơi vận động(A).
° 17h – 17h30: Bé ngủ giấc ngắn 3 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y).
° 17h30: Mẹ có thể thực hiện một bữa ăn nhẹ NẾU BÉ HỢP TÁC VÀ ĐÃ NGỪNG ĂN ĐÊM.
° 18h30: Mẹ tắm cho bé và thực hiện trình tự chuẩn bị cho bé ngủ đêm.
° 19h00: Bé ăn và đi ngủ đêm luôn.
HỎI:
- Khi cắt giấc ngày cho con sớm (đồng thời với việc tăng thời gian thức lên) thì con có buồn ngủ trước khi đến giờ dự định cho ngủ không? Nếu có thì xử lý như thế nào? Nếu cho đi chơi để quên buồn ngủ, đến giờ mới cho đi ngủ nhưng khi đó con khóc lóc không chịu ngủ nữa thì làm thế nào?
- Trong thời gian cắt giấc từ 4 xuống còn 3 giấc, nếu giấc thứ 3 con không ngủ luôn thì xử lý thế nào?
- Chỉ còn 15 – 30 phút nữa là đến giờ ăn nhưng con buồn ngủ. Nếu cho ngủ luôn mà con không ngủ hoặc vẫn ngủ nhưng chỉ ngủ ngắn 30 phút (catnap(2)) thì xử lý như thế nào?
- Con chỉ ngủ 30 phút (catnap), ngoài các nguyên nhân từ phía mẹ có nguyên nhân nào xuất phát từ bản thân con không?
ĐÁP:
- Mình cắt giấc ngủ ngày khi con sẵn sàng và có dấu hiệu cần cắt giấc ngày (đến giờ cần ngủ mà chưa buồn ngủ, ngủ giấc ngắn đi). Khi đó mình tăng thời gian thức lên và cho con đi ngủ tối muộn hơn, đến khi ngủ tối muộn quá làm giấc đêm ít hơn 11 tiếng thì mình cắt giấc ngày S4, tăng thời gian thức chơi A3 lên (xem bảng EASY 3 giờ), và sẽ cho đi ngủ tối sớm lên → ngủ đêm tăng lên hơn 12 tiếng. Điều chỉnh lịch ngủ hợp lý để con luôn trong trạng thái sẵn sàng, lúc buồn ngủ là đi ngủ nên không mè nheo.
- Trong thời gian cắt giấc từ 4 xuống còn 3 giấc, nếu giấc thứ 3 con không ngủ luôn thì cho con thức thêm 45 phút, rồi thử lại làm giấc 3 nhưng giờ đi ngủ tối vẫn giữ nguyên hoặc muộn hơn 30 phút.
- Nếu buồn ngủ con cũng không ăn ngon, con có khả năng tích trữ năng lượng nhiều hơn mẹ tưởng, cho con đi ngủ rồi dậy ăn. Ngủ một giấc dậy ăn tử tế còn hơn là bé ăn mè nheo vì buồn ngủ.
- Nếu không phải từ phía mẹ hoặc tác động bên ngoài mà con chỉ ngủ được các giấc ngắn thì có khả năng con bị yếu thần kinh và không có khả năng tự chuyển giấc mà không bị thức giấc. Tuy nhiên với những bé BIẾT tự ngủ thì khả năng con ngủ lại cao hơn những bé cần ti mẹ, ti giả, vỗ…
- EASY 2 – 3 – 4
Khi nào: Khi bé có tín hiệu muốn bỏ 1 giấc ngắn ban ngày. Ngày bé chỉ ngủ 2 giấc.
Tín hiệu: Ngày cho ăn cách 4 giờ con vẫn nhởn nhơ, chưa đói và không ăn hết suất. Ngày ngủ rất ngắn, có nhiều giấc 30 – 45 phút. Tối có thể khó ngủ, ngủ muộn. Đêm lại dậy. Có thể đêm đòi ăn hoặc nếu không đòi ăn thì nằm chơi cả buổi giữa đêm khuya mà không ngủ lại ngay.
Cách thực hiện: Mẹ tăng thời gian thức của bé bằng cách cho ăn thưa ra và lịch của bé trở về rất giống lịch sinh hoạt của một người lớn.
Thông thường, khoảng 7 tháng bé có xu hướng muốn chuyển từ lịch sinh hoạt 4 giờ sang lịch sinh hoạt 2 – 3 – 4.
Giả sử sáng bé dậy 7h (trong trường hợp bé dậy sớm hoặc muộn hơn thì chu kỳ sẽ xê dịch theo bé).
° 7h: Con dậy, bú + ăn dặm ngay. Sau đó thức tổng cộng (cả thời gian ăn) 2h.
° 9h: Mẹ cho con ngủ 2h.
° 11h: Con dậy, bú ngay. Sau đó thức (cộng cả thời gian ăn) 3h.
° 14h: Mẹ cho con ngủ 1,5 – 2h.
° 15h30/16h: Con dậy, mẹ cho con bú ngay.
° Sau 3,5 tiếng từ khi con thức, mẹ cho con tắm. Sau đó con bú + ăn dặm.
° Đủ 4 tiếng từ lúc con thức dậy của giấc ngủ ngày cuối cùng, con được đặt vào giường và ngủ hết đêm đến sáng hôm sau.
4 tháng Cherry nhà mình đã được luyện theo nếp 4 cữ/ ngày. Giờ bé được 7 tháng 3 tuần và lịch sinh hoạt bình thường của bé như sau:
7h: Bú 220 ml và ngủ 9h – 11h
11h: Bú 220 ml + ăn dặm, sau đó bé ngủ 1h – 3h
15h: Bú 220 ml, cho tự chơi 45 phút.
18h30: Bú 280 – 300 ml + ăn dặm.
20h: Lên giường tự ngủ đến 7h sáng hôm sau.
Mình thực hiện theo EASY từ lúc con 4 tháng và con hợp tác rất tốt, tự dưng đến 7 tháng con “giở chứng”. Mình đau đầu và phải xin tư vấn vì bình thường từ 4 – 7 tháng con mình có 3 giấc ngủ ngày: ngoài 2 giấc buổi sáng còn có thêm 1 giấc ngắn 30 phút buổi chiều lúc 5h – 5h30; nhưng tự dưng đến lúc 7 tháng nếu cho con ngủ đủ 3 giấc như trên thì 22h mới chịu đi ngủ và sáng vẫn 7h dậy nhưng con cáu kỉnh, khó tính. Hơn nữa, đêm tự dưng 3h sáng dậy và đòi ti đêm mới ngủ. Mình luyện ngủ lại cho con bằng cách bỏ giấc ngắn thứ ba, mình cho con ngủ sớm lên nửa tiếng và sau 3 tuần kết quả lại như mong đợi: 8h tự ngủ và 7h sáng hôm sau con bình minh với vẻ mặt hớn hở. (Mẹ Cherry)
- EASY 5 – 6
Khi nào: Khi bé có tín hiệu muốn bỏ 1 giấc ngắn ban ngày. Ngày bé chỉ ngủ 1 giấc buổi trưa.
Tín hiệu: Ngày ngủ rất ngắn, cả 2 giấc 30 – 45 phút. Tối (nếu ngày ngủ dài) có thể khó ngủ, ngủ muộn. Đêm lại dậy đêm. Có thể đêm đòi ăn hoặc nếu không đòi ăn có thể nằm chơi cả buổi giữa đêm khuya mà không ngủ lại ngay.
Cách thực hiện: Mẹ tăng thời gian thức của bé, giảm thời gian ngủ giấc đầu xuống cho đến khi có thể cắt giấc này và chuyển về cho bé ngủ trưa. Một ngày của chu kỳ 5 – 6 như sau:
Giả sử sáng bé dậy 7h (trong trường hợp bé dậy sớm hoặc muộn hơn thì chu kỳ sẽ xê dịch theo bé).
7h:Ngủ dậy uống sữa ngay và được ăn nhẹ buổi sáng.
11h30:Ăn trưa.
12h00:Ngủ trưa.
14h30:Bé dậy uống sữa và ăn nhẹ (không nên cho ăn quá nhiều bữa này).
18h30 – 19h00:Bé ăn tối. Đánh răng, làm vệ sinh cá nhân. Đọc truyện.
19h30:Đi ngủ giấc đêm.
HỎI:
Bé nhà tôi được 10 tháng 3 ngày, đang ngủ ngày 2,5 – 3 tiếng, đêm 11 tiếng. Dạo này mỗi đêm bé dậy 2 – 3 lần, có đêm dậy 30 phút – 1h sau mới ngủ lại, ban ngày thì có hôm chỉ ngủ giấc sáng từ 8h30 – 10h, giấc trưa lúc 13h không ngủ mà đến tầm 16h dỗ mới ngủ. Có phải đây là dấu hiệu bé muốn chuyển 1 giấc không? Nếu chuyển thì chuyển đột ngột luôn hay là chuyển bằng cách tăng thời gian thức lên dần dần?
ĐÁP:
Đúng là bé muốn chuyển còn 1 giấc ngủ ngày. Giấc sáng bạn kéo dài thời gian thức mỗi ngày lên 30 phút (cho đi chơi, tắm). Sau 16 giờ không cho ngủ nữa. Tối cho đi ngủ sớm 30 – 45 phút vì khi cắt 1 giấc thì tầm 16 – 17h con rất buồn ngủ nhé.
Tóm lại: Các tín hiệu con gửi – mẹ cần biết
✿ Ban ngày con lười ăn, ăn không nhiệt tình, đó là dấu hiệu con chưa đói, thay vì ép con ăn, lần sau mẹ hãy cho con ăn muộn hơn.
✿ Khi thức con lười bú, đến khi buồn ngủ tha thiết muốn bú, bú vài mút lăn ra ngủ luôn: con KHÔNG đói, con cần cái ti để trấn an con vào giấc ngủ. Lần sau mẹ hoặc cho con ti giả, hoặc dạy con ngủ hạn chế dùng ti vì điều đó không tốt cho răng mà còn tạo thói quen ngủ phụ thuộc.
✿ Khi ban ngày con bú ít, đêm con bú nhiều hơn ngày: Ban ngày con chưa đói, con chỉ nạp năng lượng vào ban đêm. Là một bà mẹ thông thái sẽ điều chỉnh bằng cách giảm dần lượng ăn ban đêm của con và cắt hẳn nếu cần cho đến khi thấy lượng ăn và thái độ ăn tích cực của con ban ngày.
✿ Khi bình thường con đang bú (ví dụ) 200 ml, tự nhiên giảm còn 160 ml thậm chí còn 100 ml mà thái độ vẫn nhởn nhơ, đêm có thể dậy hoặc không. Mẹ thông thái sẽ cắt hết bú đêm, giảm bớt 1 bình (vì ban ngày con chưa đói, nếu con đói thì con sẽ bú đến no 200 ml ban đầu.) Và có thể nghiên cứu thêm việc giảm một giấc ngủ ngày. Chuyển chu kỳ 3 giờ sang 4 giờ hay sang chu kỳ 2 – 3 – 4.
✿ Với các bé bú mẹ hoàn toàn mà tự nhiên ngủ vặt, đó là tín hiệu mẹ cần cho bú thưa ra và cắt một giấc ban ngày. Ngoài ra, với bé bú bình, khi con bú hết sạch bình, con gửi cho mẹ tín hiệu: mẹ cần pha thêm cho con ít nhất 30 ml ở lần bú sau.
✿ Cuối cùng là cắt ăn đêm: ôi cái ngày bạn chờ đợi nhất khi có thể ngủ cả đêm mà không lo lắng con đói và con cũng có thể hưởng lợi ích trọn vẹn của những đêm dài ngon giấc mà không bị cơn đói (hay mẹ) làm phiền.
Cắt ăn đêm ở Pháp thực hiện khá sớm do mẹ Pháp thực hiện triệt để việc “bình tĩnh làm mẹ”. Trẻ em Pháp có thể được mẹ cho ngủ 6 giờ liên tục ban đêm không cần ăn từ khi sơ sinh, và thực tế tôi đã chứng kiến những bé 6 tuần tuổi có thể ngủ trọn vẹn 12 tiếng ban đêm không dậy ăn. Ở Pháp, bác sỹ sẽ hỏi mẹ (một cách hoàn toàn nghiêm túc) rằng con đã ngủ qua đêm chưa khi bé đi khám lúc 3 tháng tuổi! Lưu ý, khái niệm ngủ đêm thông suốt cuốn sách này là 11 – 12h tiếng.
Cắt đêm ở Mỹ, Anh, Úc và các nước phương Tây còn lại có thể chậm hơn một chút ít. Các mẹ phương Tây áp dụng phương pháp Babywise(3) có thể khuyến khích bé ngủ 12h đêm liên tục không dậy từ 8 – 12 tuần, trong khi các mẹ áp dụng babywhisperer(4) có thể chờ muộn hơn, đến 6 tháng tuổi. Dù sớm hay muộn, điều mà chúng tôi nhấn mạnh nhất ở đây là hãy QUAN SÁT CON CỦA BẠN. Hãy nhìn con để biết khi con sẵn sàng (ban ngày ăn rất ít, chờ đến đêm ăn). Và khi con sẵn sàng, mong các bạn kiên nhẫn và tôn trọng các bước phát triển của con. Suy cho cùng, cắt ăn đêm không phải để tiện cho mẹ, mà là khuyến khích bé có cảm giác đói vào ban ngày, ăn thành bữa và ăn no đủ để tích trữ năng lượng cho đêm, sau cùng là để con hưởng lợi ích của một đêm dài trọn vẹn ngủ 12 tiếng, vì khi ngủ, cơ thể con xây dựng các tế bào thần kinh, giúp con phát triển tốt nhất về kĩ năng, trí não và tinh thần.
- Học cách đọc tín hiệu của con
Sau khi đã biết về nếp sinh hoạt EASY, bạn cần phải học cách “đọc vị” tiếng khóc của con. Khóc là hình thức giao tiếp đầu tiên và duy nhất của trẻ sơ sinh cho đến 9 tháng tuổi và mỗi nhu cầu của con lại có một hình thức khóc khác nhau. Ngoài tiếng khóc, chúng ta cần phải xem những biểu hiện của con để biết bé thực sự cần gì.
Hiểu tiếng khóc của con
Trước đây, khi mới sinh bé Sâu, tôi rất hoang mang mỗi lần con khóc, nhất là lúc bé ngủ ngày, cày đêm thì tôi không thể phân biệt được con khóc vì đói, hay vì khó chịu, hay vì buồn ngủ. Tháng đầu tiên tôi khủng hoảng vì vụ khóc lóc của con. Thế là tôi quyết tâm lên mạng để tìm hiểu.
Đọc hiểu tiếng khóc của con nói riêng và tín hiệu của con nói chung thật sự rất cần thiết cho các mẹ cho bú trực tiếp, nhất là các mẹ cho con bú theo nhu cầu chứ không theo lịch đã lập sẵn.
Để biết mình có thực sự hiểu tiếng khóc của con hay không, các mẹ có thể tra trên mạng với từ khóa “baby cues” hoặc “tiếng khóc của bé”, bạn hãy đọc cả phần diễn giải và xem cả các clip hướng dẫn trên Youtube để hiểu thật rõ.
“Con đói!”:Tiếng khóc lặp đi, lặp lại, to và càng lúc càng to nếu chưa được đáp ứng. Thậm chí, tiếng khóc nghe còn có vẻ hoang dại. Ngoài ra, biểu hiện nữa là tay bé quơ cào khắp nơi, với bé lớn hơn thì cho tay vào miệng mút mạnh, nghe rõ mồn một tiếng chùn chụt. Đầu bé sẽ quay bên nọ, bên kia để tìm vú mẹ, nếu đưa một ngón tay cái của mẹ vào gần mồm bé, bé há ra và mút hoặc nếu bố/bà bế bé, bé rúc vào vú thì chứng tỏ bé đang đói. Nếu bé đang ngủ cũng có thể kiểm tra như vậy.
“Con có khí trong bụng, con muốn ợ hơi”:Tiếng khóc thường xuất hiện ngay sau khi ăn xong, nghe chói tai (ở tông giọng cao), cường độ cao. Dấu hiệu khác: Đầu gối co lên đến ngực, ưỡn lưng.
“Con bị kích thích quá” – “Con muốn dừng chơi” – “Thế này là quá sức với con”:Tiếng khóc nghe tương phản nhau, có thể là những tiếng cười và những tiếng càu nhàu thay phiên nhau. Càng lúc cường độ càng cao hơn. Dấu hiệu khác: Bé sẽ quay đầu khỏi âm thanh hoặc ánh sáng quá kích ứng so với bé.
“Con mệt và muốn đi ngủ”:Tiếng khóc nghe giống như bé đang cáu kỉnh, âm thanh không cao, dừng rồi lại tiếp tục rồi lại dừng. Mẹ có thể dỗ dành bé hết khóc, nhưng sau đó bé lại tiếp tục khóc nếu chưa ngủ được.
Dấu hiệu trước khi bé khóc vì buồn ngủ: Dụi mắt, lờ đờ, ngáp, không muốn chơi, mút tay. Đúng với các bé dưới 3 tháng, sau 3 tháng nên căn theo thời gian thức (Waketime(5)) thì chính xác hơn.
“Con bị đau bụng”:Tiếng khóc to, đều đều và có thể kéo dài hàng giờ liền mỗi ngày.
Dấu hiệu khác: Đau bụng thường xuất hiện vào cùng một thời điểm trong các ngày khác nhau, thường là chiều muộn hoặc tối. Nếu bé bị đau bụng thì bụng bé dường như to hơn, gõ vào hơi bộp bộp, bé có thể co duỗi chân liên tục và đánh rắm khi khóc.
“Con thấy chán, con muốn được mẹ quan tâm”:Tiếng khóc nghe giống như là một tiếng hét hơn.
“Con muốn mút mát”:Tiếng khóc nhỏ, kiểu rên rỉ, bé mút môi hoặc mút tay chùn chụt. Đây là kiểu tiếng khóc dễ bị nhầm lẫn với việc bé đói nhất. Thực sự có những khoảng thời gian trong ngày, nhất là trước khi đi ngủ hay khi chuyển giấc, bé có nhu cầu được mút cái gì đó, nếu là ti mẹ thì tuyệt nhất rồi. Dấu hiệu khác đó là khi mẹ cho ngậm ti bé hết khóc ngay nhưng khi sữa về nhiều lại nhả ra, rồi lại đòi tiếp, mẹ cho lại ngậm và sữa xuống lại nhả ra.
- Bảng tham khảo thời gian thức của trẻ theo độ tuổi
Bảng này áp dụng cho các bé ngủ đủ, tức là các bé không bị thiếu ngủ từ trước. Đối với những bé bị thiếu ngủ từ trước thì sẽ cần ngủ bù vào nhiều ngày liên tiếp để đạt trạng thái ngủ đủ. Bé ngủ đủ thì dễ chấp nhận giấc ngủ, ít khóc và có khả năng chuyển giấc (cả ngày và đêm) tốt hơn.
Hầu hết các bé khỏe mạnh đều có thể ngủ 12 tiếng không cần ăn từ 8 tháng tuổi trở đi. Có bé sớm hơn rất nhiều. Bố mẹ cần nhìn nhu cầu ăn, ngủ của con để điều chỉnh. Thông thường khi trẻ đủ 4 tháng thì đã cần ngủ đủ 11 – 12 tiếng/đêm để đảm bảo sức khỏe và tinh thần tỉnh táo cho các hoạt động ban ngày. Điều này đúng với khoảng 75% trẻ. Khoảng 10% trẻ cần ngủ nhiều hơn (12 – 13h) và phần còn lại cần ít hơn (10 – 11h), thời gian này KHÔNG KỂ thời gian mẹ cho bú đêm.
Trên bảng, cột “Giấc ngủ cuối nên kết thúc lúc” được dành cho các bé có nợ ngủ (trước không ngủ đủ, giờ phải ngủ bù), mẹ không để bé ngủ quá thời điểm này kẻo bé lại đi ngủ đêm muộn. Ngủ đêm muộn làm lệch nhịp sinh học của bé và làm bé khó ngủ hơn và dễ dậy đêm. Một số trẻ 6 tháng trở ra cần dậy lúc 15 giờ 30 phút chiều để đảm bảo đi ngủ sớm ban đêm.
Thời gian cắt giấc ngày:
✿ 3 đến 5 tháng: từ 4 giấc còn 3 giấc.
✿ 5 đến 8 tháng: từ 3 giấc còn 2 giấc.
✿ 13 đến 18 tháng: từ 2 giấc còn 1 giấc.
Thời gian chờ để phản ứng khi con dậy đêm hoàn toàn phụ thuộc vào việc con dậy đêm thế nào. Thời gian chờ tối thiểu là 10 – 15 phút, đảm bảo con đủ thời gian để có thể tự ngủ lại vào giấc sâu. Sau đó thời gian đó bé chưa ngủ lại thì mẹ tùy theo tính tình của trẻ và hoàn cảnh gia đình để giúp bé đi vào giấc ngủ tiếp.
Bố mẹ nên nhất quán trong cách cho con ngủ thì sẽ không mất nhiều thời gian để bé có thể đi vào giấc sâu. Bởi vì, khi trẻ lớn lên, nếu bố mẹ không nhất quán thì bé sẽ hiểu là nếu khóc mãi thì bố mẹ sẽ phải thua.
BẢNG THAM KHẢO THỜI GIAN ĂN NGỦ CỦA TRẺ THEO ĐỘ TUỔI
Giả sử bé được 4 tháng tuổi:
Sáng dậy lúc 7h – thời gian thức tối đa 1,75 – 2 tiếng, tức là 8h45 – 9h bé đã phải ngủ rồi (nên bố mẹ cần cho bé vào giường sớm hơn).
Tổng thời gian ngủ ban đêm là 11 – 12 tiếng, trong đó thời gian ngủ được tính như sau: Nếu bé đi ngủ lúc 20h – đêm bé dậy 2 lần mỗi lần 15 phút để ăn đêm, như vậy sáng hôm sau bé sẽ dậy lúc 7h30 – 8h30.
Lưu ý: Bé bú mà ngủ thì vẫn tính vào thời gian ngủ. Nếu sau 5h sáng, bé tỉnh dậy bú rồi ọ ẹ chưa ngủ lại trong khoảng 30 phút, 6h bé lại ngủ tiếp thì vẫn tính là giấc đêm và bé vẫn ăn đêm. Khi bé thức, tỉnh táo ít nhất 1 tiếng thì mới coi là dậy.
Giấc ngủ liên tục dài nhất trong đêm: 6+/3,5 – 4 tức là có thể bé sẽ ngủ 1 mạch hơn 6 tiếng hoặc 3,5 – 4 tiếng mới dậy đòi ăn. Có những bé đã có thể ngủ xuyên đêm 11 – 12 tiếng không ăn.
Tổng thời gian tối đa cho giấc ngủ ngày 4,5 tiếng chia làm 3 giấc, không nhất thiết phải 3 giấc đều nhau 1.5 tiếng, cũng có thể bé sẽ ngủ ít hơn 4,5 tiếng ban ngày cũng không sao.
Trong bảng này, tổng thời gian thức ngủ có thể xê dịch theo từng bé (tức là có thể có những bé đêm ngủ 10 tiếng, ngày ngủ 3 – 4 tiếng mà vẫn vui vẻ không quấy khóc thì cũng không sao). Tuy nhiên, điều mẹ cần chú ý nhất chính là thời gian thức tối đa của trẻ để cho trẻ vào giường hợp lý, tránh bị quá giấc dẫn đến trẻ gắt ngủ và ngủ không sâu, ngủ ít.
- Giai đoạn ARA
ARA là viết tắt của các từ Awareness (Nhận thức mơ hồ) Rejection (Từ chối), Acceptance (Chấp nhận). Mỗi khi thay đổi nếp sinh hoạt (ví dụ từ nếp 4 giờ sang 2 – 3 – 4 hoặc từ 2 – 3 – 4 sang 5 – 6), luyện tự ngủ, giãn cữ, cai ti đêm, cai sữa thì bé đều trải qua giai đoạn ARA này. Thông thường, giai đoạn này kéo dài khoảng 1 – 2 tuần, có bé cá biệt lên đến 3 tuần.
Để bạn hình dung cho dễ, xin lấy ví dụ việc luyện bé tự ngủ:
Ngày 1 ( có thể sang cả ngày 2) là giai đoạn mơ hồ (Awareness) – bé chưa nhận thức rõ việc mình sẽ phải không có ti mẹ hay cánh tay đung đưa để hỗ trợ đi vào giấc ngủ nữa, nên khi mẹ đặt xuống, nếu căn đúng thời gian thức ngủ thì bé chỉ khóc một lúc là đi vào giấc ngủ.
Ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư (có thể kéo đến ngày thứ năm, thứ sáu) là giai đoạn từ chối hay phản kháng (Rejection) – sang ngày sau rồi vẫn thấy mẹ cắt ti hoặc mẹ không rung lắc bé nhận ra sự thay đổi và phản kháng bằng cách khóc dữ hơn, dai dẳng hơn. Đây là thời điểm khiến các mẹ bối rối và hoang mang nhất vì sau ngày thứ nhất (hoặc thứ hai), mẹ cứ nghĩ luyện ngủ thành công rồi thì bỗng nhiên con lại như thế. Mẹ không nắm rõ sẽ sợ mình làm sai hoặc nghĩ con làm sao (nhất là về mặt tâm lý). Đây cũng là thời điểm mẹ không kiên trì, dễ bỏ cuộc nhất.
Ngày thứ sáu và thứ bảy (hoặc ngày thứ tám, thứ chín, thứ mười) là giai đoạn chấp nhận (Acceptance) – bé hiểu ra rằng gào khóc cũng không làm thay đổi quyết định của mẹ nên chấp nhận ngủ mà không cần ti hay bế, mẹ đặt vào giường bé ê a một lát là tự chìm vào giấc ngủ.
Khi bạn cho bé thay đổi bất cứ một thói quen sinh hoạt nào, bé cũng sẽ xuất hiện các giai đoạn ARA như vậy, mẹ cần tỉnh táo và kiên trì để những nỗ lực của cả mẹ và con không phí hoài vô ích.
Câu chuyện của Emily – áp dụng EASY từ ngày mới sinh
Mẹ Hà rút kinh nghiệm từ Alexis nên áp dụng EASY ngay từ ngày Emily mới chào đời. Việc đầu tiên cần làm là cho em vào một trình tự sinh hoạt (routine(6)). Do em sinh đủ tháng và nặng 3,4 kg nên em phù hợp với trình tự sinh hoạt 3 giờ mỗi lần. Em bị đảo lộn ngày đêm (ngày ngủ, đêm thức khóc) nên mẹ em nhất định tìm cách đổi lại. Mẹ làm như sau:
Ban ngày mẹ cho em ăn cách nhau 3 tiếng. Mặc định 7 giờ là bắt đầu ngày mới, 7 giờ mẹ gọi em dậy cho em bú (mấy hôm đầu em không bú no vì em chưa đói mà buồn ngủ). Sau khi cho em bú (Eat), mặc dù ngủ gật nhưng mẹ vẫn cố gắng giữ cho em thức được thêm bằng cách thay quần áo ngủ sang quần áo ban ngày, đặt em vào ghế để em xem màu và nghe nhạc (Activity – không bế em trong thời gian này). Khi được 40 phút kể từ thời gian từ lúc em dậy (7h40) hoặc khi mẹ thấy em ngáp cái đầu tiên, mẹ quấn em lại để tay em được giữ khỏi giật mình và cho em vào giường. Thông thường em nằm trên giường khoảng 15 phút là em sẽ tự ngủ. Hôm đầu em có khóc tí ti, mẹ chờ 5 phút vào cho em ngậm ti giả và ở cùng em 2 phút, sau đó mẹ ra để em một mình xoay xở, sau vài phút em cũng lăn ra ngủ.
Rút kinh nghiệm anh Alexis, mẹ cho em nằm ngửa ngủ ban ngày (vì ban ngày nhà mình hay đi chơi nên em cần được học cách ngủ ngắn khi nằm ngửa) và em nằm sấp ngủ ban đêm để em ngủ giấc dài và sâu. Sau đó, đến 10 giờ, kể cả em vẫn đang ngủ say thì mẹ vẫn gọi em dậy cho ăn. Những ngày đầu thiết lập chu trình, mẹ cố gắng cho em vào nếp. Em ngủ 11h trưa đến 13h chiều. Và chu trình lại được lặp lại cho đến chiều, em ăn lúc 13h – 16h – 19h và em đi vào giấc ngủ đêm.
Để phân biệt giấc ban đêm và giấc ban ngày, mẹ giới thiệu cho em trình tự ngủ đêm (bedtime routine(7)). Và trình tự ngủ đêm này sẽ theo em suốt cuộc đời bé thơ (đến giờ hai anh em đã 3 và 5 tuổi vẫn áp dụng). Đó là: tắm, thay đồ mặc nhà, ăn và đi ngủ. Ở thời kỳ này, sau giấc ngủ rất ngắn cuối ngày mẹ cho em tắm, sau đó cho em ăn thêm một bữa nữa (Cluster feed(8)) để em có thêm năng lượng khi ngủ. 7h tối, em được ăn bữa cuối cùng trong ngày và lên giường đi ngủ. Đêm em dậy mẹ không nói chuyện và không chơi với em nữa, chỉ cho em ăn no rồi đặt em xuống dù em tỉnh hay thức để em biết đêm em dậy ăn là chỉ để ăn. Để cải thiện tình trạng “ngủ ngày, cày đêm”, ban ngày mẹ không cho em ngủ quá 2 tiếng 15 phút mỗi lần, tổng thời gian ngủ từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối không quá 7 tiếng để đảm bảo em mệt đủ để ngủ giấc tối. Ban ngày mẹ cho em thay bỉm sau khi ăn, nhưng đêm mẹ thay bỉm cho em trước khi ăn để em không bị tỉnh giấc sau khi ăn.
Sau 3 ngày em học được nếp sinh hoạt 3 giờ và ngủ suốt đêm. Em ngủ cả nằm ngửa, nghiêng và sấp. (Anh Alexis biết mỗi nằm sấp). 10 ngày sau khi ra đời, em đã quen và thích ứng với cuộc sống bên ngoài, chúc mừng em!
Tóm tắt
✿Bé sơ sinh thường bú vào lúc 7h – 10h – 13h – 16h – 19h và quay vòng như vậy suốt đêm (xê dịch theo thời gian bé dậy buổi sáng).
✿Ban ngày bé thức đủ 35 phút là được đặt xuống để ngủ. Đêm ăn xong đặt xuống ngay.
✿Ban ngày các giấc ngủ của bé không nên để quá 2 tiếng rưỡi để bé có thể ngủ thời gian tối đa vào ban đêm.
✿Thời gian chờ can thiệp mỗi khi bé khóc đòi ăn là 5 phút. Thời gian đó mẹ hãy quan sát cử chỉ, lắng nghe tiếng khóc, phân tích con cần gì và phản ứng kịp thời.
✿Bé đói, bé mệt, chán, đau bụng (rất phổ biến ở tuổi sơ sinh, mẹ cần học cách ợ hơi thật kỹ) sẽ có các tiếng khóc và cử chỉ khác nhau nên mẹ cần học cách “liên lạc” với con để con được tôn trọng nhu cầu và tránh cho bé ăn khi bé chưa đói dẫn đến ăn kém năng suất và ăn vặt.
✿Mỗi bé có một tiếng khóc và cử chỉ khác nhau để liên lạc với mẹ. Mẹ thông thái hãy ghi nhớ (hay ghi chép) để thông tin lại với bé: điều này đòi hỏi mẹ quan sát và chờ đợi.
- Chờ đợi là vàng
Một trong những lí do các mẹ được chúng tôi hỗ trợ từ khi sơ sinh có con “dễ”, ăn tốt “bẩm sinh” bởi lẽ chúng tôi nhấn mạnh đến việc chờ đợi, quan sát và xử lý thông tin trước khi chìa ngực (bình) vào miệng con. Khi bé ngủ dậy, đến giờ cho bé ăn, mẹ biết, mẹ chờ con phát biểu nhu cầu, mẹ quan sát những tín hiệu con cho mẹ biết là con đang đói, mẹ chuẩn bị khăn ăn, lau ngực hay bình sữa ấm – thường mất 5 phút. Mẹ bế con, ợ hơi giúp con cảm thấy hết khó chịu trong bụng.
Con không buồn ngủ, đã được ợ hơi, được mẹ bế mà vẫn khóc, nghĩa là con đói. Mẹ cho con ăn.
Việc mẹ chờ, dù chỉ là thời gian ngắn và ở bên con, một mặt giúp mẹ hiểu con thông qua những quan sát trực tiếp nhưng quan trọng hơn giúp bé tự hiểu rằng: à đây là cảm giác đói, và đây là “thức ăn”, và tiếp theo sẽ là cảm giác no. Mẹ đã dạy cho con bài học đầu tiên của cuộc đời: Đói là như thế nào và khi đói ăn vào sẽ no.
Bởi vậy những trường hợp các bà mẹ ép con ăn, sau này dạy cho con bú bình, dạy con ăn dặm, dạy con biết ăn và thích ăn nhưng không bao giờ để con học được cảm giác no đói trở nên đau khổ và gian nan vô cùng. Nguyên nhân cũng chỉ bởi vì mẹ đã không dạy con biết chờ đợi và bản thân mẹ cũng không biết giá trị của việc chờ đợi.
Câu chuyện của Emily: 0 – 10 tuần theo EASY
Emily sinh mổ khi em vừa quá ngày dự sinh. Vì thai ngược nên bác sỹ quyết định đẻ mổ để giảm nguy cơ tai biến. Thông thường khi trẻ ra đời sẽ có 2 tuần đầu tiên được gọi là “tuần trăng mật” tức là em chỉ ăn, ngủ và thức ít, thậm chí còn ngủ quên cả ăn. Emily không có “tuần trăng mật”, ngay từ đầu em đã thức suốt và không chịu ngủ nếu không có ti. Cứ cách 1 tiếng rưỡi là em đòi ăn, nhưng ngậm ti một tí là ngủ, nhưng đặt xuống là thức dậy luôn. Mẹ Emily rất vất vả! Thế là mẹ lên kế hoạch để lập nếp sinh hoạt cho Emily. Về nguyên tắc, khi trẻ mới ra đời thì đã được tích lũy chất dinh dưỡng cho ít nhất 3 ngày đầu chờ sữa về, tức là 3 ngày này nếu em không ăn cũng không sao (Alexis – anh trai của Emily không ăn gì trong 2 ngày đầu). Nhưng vì Emily sinh mổ nên mẹ phân vân không hiểu là cơ thể có biết trước mà tích lũy không, vả lại mẹ có sữa ngay nên cho em bú liên tục để tăng nguồn sữa về.
Tuần 1: Luyện cho ăn no
Ở thời gian mới sinh rất khó dạy ngủ cho em nên mẹ chấp nhận em ngủ lúc nào cũng được, không thì đành chịu. Lúc này tập trung vào dạy em ăn no đủ bữa và tăng nguồn sữa cho mẹ. Cứ 2,5 – 3 tiếng, mẹ cho em ăn một lần, nếu em đói sớm hơn thì mẹ cho em ngậm ti giả. Do 3 ngày đầu không phải lo em đói nên đây là lúc tốt nhất để dạy em ăn mà không phải băn khoăn no đói gì nhiều.
Em ăn xong thì mẹ tiếp tục hút sữa để kích thích sữa về. Sữa hút được mẹ cho ra bình để nửa đêm gửi y tá cho em ăn, đồng thời dặn y tá cứ cách 3 tiếng hãy cho ăn. Đến ngày thứ 3 khi ra viện là em đã ăn theo chế độ 3 giờ.
Tuần 2 – 4: Luyện ngủ, cải thiện tình trạng ngày – đêm
Emily ngủ rất khó. Khi mới sinh không có cách nào làm cho em ngủ được ngoài ti mẹ. Lúc về nhà, ban đêm, mẹ nằm với em cho em ti để ngủ, nhưng em nôn nhiều nên phương pháp này không hiệu quả, ban ngày mẹ để kệ em nằm mệt thì ngủ. 4 tuần đầu, thời gian thức tối đa của trẻ sơ sinh là 30 phút, em thay bỉm và ăn đã hết 20 phút, 10 phút là lúc em tự xoay xở để ngủ. Vì thế cho nên em thức dậy, mẹ chỉ kịp thay bỉm, cho em ăn và ợ hơi là đã phải đặt em xuống rồi, không có chút thời gian chơi bời gì cả. Lúc 2 tuần tuổi thì mẹ không cho em khóc lâu, em ăn no, thay bỉm khô, được quấn chặt và được đặt nằm xuống để ngủ. Nếu em khóc, mẹ chờ 5 phút, sau đó vào cho em ti giả rồi đi ra. Nếu em tiếp tục khóc mẹ lại chờ một chút và vào cho em ti giả.
Sau 3 ngày em đã học được cách tự ngủ, đương nhiên vẫn còn bữa đực bữa cái nhưng em không cần bất cứ ai ru hay ti mẹ để ngủ nữa. Đêm mẹ cho em ăn xong mà em vẫn còn thức thì mẹ có thể tự tin đặt em xuống và mẹ đi về phòng để em tự ngủ mà không phải lo lắng gì cả (mặc dù mẹ vẫn theo dõi em qua máy báo khóc).
Đây cũng là thời gian các em bị lẫn lộn ngày đêm, do đó ban ngày mẹ hạn chế các giấc ngắn của em không quá 2 tiếng rưỡi, thường cứ 2 tiếng mẹ gọi em dậy cho ăn. Đêm mẹ để em ngủ thoải mái và sau 2 tuần em đã cho mẹ được giấc đêm dài 4 tiếng.
Tuần 4 – 6: Siêu cáu kỉnh
Tuần này thành phần sữa của mẹ thay đổi, cơ thể em cũng thay đổi, em khóc nhiều và nôn nhiều hơn. Em ngủ kém hơn vào ban ngày (giấc ngủ rất ngắn) tuy nhiên về đêm em bắt đầu kéo dài giấc ngủ đêm. 3 tuần tuổi em ngủ giấc dài 6 tiếng đầu tiên, sang tuần 4 – 5 – 6 thì các giấc qua đêm hơn 6 tiếng xuất hiện dày đặc hơn. Tuần này do em nhận biết môi trường xung quanh tốt hơn nên khi em ngủ, mẹ phải kéo rèm cho phòng tối om và mẹ bật máy tiếng ồn trắng (white noise(9)) giúp em thư giãn ngủ. Em ngủ tốt 3 giấc đầu của ngày (mẹ toàn phải đánh thức em dậy nếu em ngủ quá 2h), giấc cuối thì khá là vất vả nhưng hết tuần thứ 6 thì mọi thứ lại êm đẹp.
Em ngủ vặt (30 phút), mẹ tập trung vào hai việc. Trước khi đi ngủ mẹ cho em ăn thật no tại mỗi bữa ăn (cả bú bình lẫn bú mẹ) và cho em ăn trong phòng tối ít phân tán. Sau đó đặt em ngủ. Khi em thức 30 phút sau khi ngủ mẹ chờ 10 phút xem em có chuyển giấc được không, nếu không được mẹ vào cho em ngậm ti giả chờ em ngủ tiếp. Khi em bắt đầu học chuyển giấc nhịp nhàng (tức là khi em chuyển giai đoạn ngủ, dù em có bị thức dậy em cũng tự tìm cách ngủ lại được mà cần ít sự trợ giúp từ mẹ hay từ ti giả) cũng là lúc em ngủ đêm dài ra.
6 tuần giấc đêm của em đã kéo dài 8h không cần dậy ăn. Thời gian này giờ ngủ của em còn khá muộn: 8h tối. Em thức dậy 2 lần để ăn, một lần lúc 3 – 4h sáng và một lần lúc 6 – 7h sáng. Ngày của em bắt đầu lúc 8 – 9h sáng.
Tuần 7 – 10: Tuyệt vời! Em tự ngủ 100% các giấc ngày và đêm mà không khóc nhiều. 7 tuần em ngủ một mạch 10 tiếng mới dậy ăn. Ăn đêm xong dù thức hay ngủ thì em vẫn có thể tự xoay xở được nên thời gian mẹ thức với em ban đêm ngắn lại còn 15 phút/lần và 1 lần/1 đêm.
Việc luyện nề nếp ăn ngủ cho bé là không đơn giản nhưng với phương pháp phù hợp thì hầu hết các bé đều có thể học được cách ngủ và sẽ ngủ đủ giấc nếu mẹ giúp em tạo các điều kiện thích hợp. Alexis không biết tự ngủ cho đến tận tuần thứ 10. Mẹ mất 1 – 2 tháng vất vả để đưa Alexis vào nếp, để Alexis ngủ đủ giấc. Với Emily, dù xuất phát điểm không tốt như Alexis (khó ngủ, nôn nhiều) nhưng do mẹ tìm hiểu, hướng dẫn em sớm hơn nên 7 tuần tuổi em đã ngủ được 14 tiếng/đêm, dậy ăn 1 lần.
Các giấc ngủ dài là điều kiện cho các bé phát triển trí não. Bé cũng học được nhịp sinh học phù hợp và do đó tập trung việc nạp năng lượng vào ban ngày.
- GIÚP TRẺ TỰ NGỦ
- Ngủ và tầm quan trọng của giấc ngủ
Các mẹ ở Việt Nam cực kỳ không quan tâm đến giấc ngủ của trẻ mà chỉ lo bé đói nên suốt ngày cho bé ăn.
Chúng tôi coi trọng giấc ngủ của trẻ hơn là ăn vì những lí do sau:
a.Khi em bé sinh ra thì bản năng không bao giờ để mình bị đói. Đói em sẽ đòi ăn, vì dạ dày nhỏ nên em phải ăn thường xuyên, do đó các giấc ngủ của em không dài. Giấc ngủ của các em là một chu kỳ 45 phút gồm 25 phút ngủ sâu và 20 phút ngủ nông (giấc ngủ REM). Trong thời gian này nếu em đói em sẽ dậy và đòi ăn ngay, do đó em không bao giờ để mình đói quá 25 phút đâu. Đây là bản năng tự nhiên. Không một đứa trẻ nào có thể nhịn đói. Các mẹ cần tôn trọng qui luật tự nhiên đó.
b.Việc bé thay đổi môi trường từ trong bụng mẹ ra ngoài môi trường mới. Trong bụng mẹ, bé thích ngủ lúc nào thì ngủ, nhưng ra ngoài bé có ý thức hơn, môi trường thay đổi buộc bé phải HỌC cách tự trấn an bản thân để đi vào giấc ngủ. Bé có thể được sự trợ giúp từ ti mẹ hay ti giả (làm bé tập trung vào ti, từ đó lơ là mất cảnh giác và ngủ gật), vòng tay rung lắc hát à ơi tạo cho bé cảm giác cử động giống như trong bụng mẹ, đơn giản hơn, có một số mẹ để bé ăn no nằm chơi đến lúc bé mệt bé tự đi vào giấc ngủ. Tóm lại, điều kiện mà mẹ và những người xung quanh tạo ra là môi trường để bé đi vào giấc ngủ, tạo cho bé thói quen và “môi trường ngủ”, sau này đến khi mệt, bé cần phải có những điều kiện ấy thì mới có thể ngủ được.
c.Một trẻ sơ sinh trung bình ngủ 18 tiếng/ngày. Bé chỉ thức 45 phút sau mỗi chu kỳ ngủ 3 giờ. Trong đó, 30 phút dành để ti và 15 phút để vệ sinh và vận động “thể thao”. 4 tháng bé vẫn ngủ trung bình 16 – 17 tiếng/ngày, trong đó ban ngày bé thức được dài hơn (chừng một tiếng rưỡi cho mỗi chu kỳ 4 giờ) và giấc đêm bé cũng ngủ liền một giấc dài hơn 6 – 8 tiếng. 1 tuổi nhu cầu ngủ trung bình giảm xuống còn 14 tiếng và đến 2 tuổi, các em ngủ khoảng 12 – 13h/ngày, nhưng không ít hơn 11h/ngày.
Ngủ rất quan trọng vì não của bé phát triển khi ngủ. Các tế bào thần kinh được nhân bản khi ngủ sâu và các kĩ năng cơ bản (lẫy, bò, ngồi, đứng) được tập luyện ở thời kỳ REM (giấc ngủ động). Hơn nữa ngủ tiêu tốn ít năng lượng hơn vì thức ăn các em ăn được hoàn toàn phục vụ vào việc tạo dựng tế bào chứ không phải để đốt cháy cho các hoạt động thể chất, do đó có bé ăn ít, ngủ nhiều mà vẫn tăng cân và chiều cao.
- Những hiểu nhầm về giấc ngủ của trẻ
a.Ngủ say như em bé là một hiểu lầm tai hại. Não bộ chưa phát triển nên giấc ngủ của trẻ có chu kỳ ngắn, và bé rất dễ thức dậy, giật mình hoặc ti hí mắt trong giai đoạn ngủ REM. Việc này thực tế có lợi vì các bé không bao giờ ngủ sâu quá lâu mà quên mất việc nạp năng lượng cho dạ dày. Do đó, nếu mẹ không tác động bên ngoài (ép ăn) thì bé sẽ theo đúng bản năng dậy khi đói và đòi ăn.
b.Cho con ngủ ít ban ngày để ngủ nhiều ban đêm: SAI. Mục đích của tất các các phương pháp dạy ngủ đều để đến đích là em ngủ ĐỦ vào ban ngày để em mệt vừa phải chứ không bị quá mệt để ngủ DÀI vào ban đêm. Khi bé bị quá mệt sẽ khó ngủ hơn (não kém phát triển nên không thể tự trấn an, giữ bình tĩnh và thư thái đưa mình vào giấc ngủ và do đó các giấc ngủ đêm của bé cũng ngắn theo. Trẻ bị quá mệt sẽ quấy khóc vì không thể nào tìm được cách tự đi vào giấc ngủ và nghỉ ngơi được. Do đó, kể cả khi ngủ được, các giấc của bé cũng ngắn và thường vật vã về đêm. Mục đích của luyện ngủ là dạy các bé biết ngủ khi có nhu cầu, tạo dựng một trình tự không đổi đều đặn để hướng tới việc bé có MỘT GIẤC NGỦ DÀI BAN ĐÊM.
c.Ngủ lúc nào chẳng là ngủ: SAI. Ngủ ban đêm và giấc dài bao gồm nhiều giấc ngắn nối tiếp giúp quá trình tạo tế bào được liên tục và các bé được nghỉ ngơi tốt hơn. Giấc ban ngày thường ngắn, do có ánh sáng và tiếng động không đều đặn làm giấc ngủ sâu của các bé ít chất lượng hơn. Giấc ngủ ban ngày chỉ như là những giờ giải lao cho những khoảng thời gian bé thức và chơi ngay trước đó.
Kết luận:Bé ngủ nhiều ăn ít là chuyện bình thường. Mục đích tối cao của việc cho các bé ngủ đủ ban ngày là để bé ngủ dài ban đêm. Nếu ban ngày bé ngủ ít và quấy khóc là dấu hiệu các bé bị quá mệt và cần tăng thời gian ngủ ngày lên.
Các bé ngủ đủ ban ngày mới có đà để ngủ dài ban đêm. Nhưng rất nhiều mẹ không tin vào điều này!
……
>> Tải sách nuôi con không phải là cuộc chiến: Tại đây
Hãy chia sẻ để lan toả yêu thương.
Hãy để lại “bình luận” những cuốn sách nuôi dạy con bạn cần đọc biết đâu chúng tôi có thể chia sẻ thêm cho bạn.
Gia Hân