Năm bài học về cách quản lý tài chính cá nhân từ khi còn trẻ

Có một thực tế đáng buồn là phần lớn người trẻ tại Việt Nam hiện nay không biết quản lý tài chính cá nhân dẫn đến tình trạng thường xuyên “cháy túi” và không nắm rõ tiền của mình đã đi đâu về đâu. Đây là một vấn đề phổ biến nhưng cũng khá dễ hiểu bởi ngay từ khi còn nhỏ, tiền bạc là vấn đề nhạy cảm và bị né tránh bàn luận tại các gia đình. Còn ở trường học lại không có bộ môn nào liên quan đến vấn đề quản lý tài chính cá nhân. Chỉ có những bạn trẻ thực sự quan tâm đến vấn đề này mới tự mình tìm hiểu và xây dựng cho mình một kế hoạch quản lý tài chính phù hợp. Dưới đây là những lời khuyên về cách quản lý tài chính cá nhân ngay từ khi còn trẻ, giúp bạn có một kế hoạch quản lý và chi tiêu hợp lý, từ đó có một quỹ tài chính ổn định và an nhàn về sau.

quản lý tài chính cá nhân

1. Thực sự bám sát kế hoạch ngân sách

Không ít người trẻ thực sự có ý tưởng về một kế hoạch ngân sách cho chi – tiêu,  tuy nhiên, rất ít cá nhân thực sự làm theo kế hoạch đó. Ngay từ khi còn trẻ, bạn nên lập kế hoạch ngân sách một cách nghiêm túc – phân bổ số tiền bạn kiếm được, số tiền được phép chi tiêu, số tiền cần tiết kiệm hay đầu tư và thực sự bám sát theo đó.

Điểm chung của việc lập kế hoạch ngân sách là để biết tiền của bạn đi đâu, từ đó đưa ra quyết định tài chính hợp lý. Biết thói quen chi tiêu của mình, bạn sẽ biết được những khoản chi không hợp lý và tìm ra cách có thể tiết kiệm nhiều tiền hơn trong quỹ hưu trí hoặc tài khoản thị trường tiền tệ.

2. Hãy ngừng chi tiêu toàn bộ tiền lương của bạn

Khi bạn còn trẻ, bạn không có nhiều trách nhiệm phải lo lắng và có thể chi tiêu toàn bộ tiền lương của bạn hay thậm chí là hơn cả mức bạn kiếm được mỗi tháng. Tuy nhiên, điều này sẽ mang đến những hệ quả không mấy tốt đẹp vào những năm tháng sau này của bạn. Theo Patrice C. Washington, tác giả cuốn “Real Money Answers for Every Woman” (Câu trả lời thực sự về tiền bạc cho mọi phụ nữ): “Cách bạn sử dụng 100 USD cũng là cách bạn sử dụng 100.000 USD. Bạn không thể thay đổi thái độ, hành vi và thói quen của mình. Vấn đề không nằm ở tiền bạc, mà nằm ở việc bạn có kỷ luật trong chi tiêu hay không”.

Hãy ngừng việc chi tiêu toàn bộ số tiền lương bạn kiếm được mỗi tháng. Bạn có thể bắt đầu bằng cách chi tiêu 90% thu nhập của bạn và tiết kiệm 10% còn lại. Để chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, các ứng dụng từ ngân hàng hoặc ứng dụng tiết kiệm có thể giúp bạn làm điều này bằng cách tự động khấu trừ từ tiền lương và đưa vào tài khoản tiết kiệm của bạn hàng tháng. Dần dần, bạn có thể gia tăng số tiền tiết kiệm và giảm số tiền chi tiêu.

3. Nhận thức về các mục tiêu tài chính

Bạn nên hình dung về mục tiêu tài chính ngay từ khi còn trẻ và nghĩ về cách để đạt được mục tiêu đó. Bạn ít có khả năng đạt được bất kỳ mục tiêu nào nếu bạn không viết mục tiêu đó ra và tạo một kế hoạch cụ thể cho nó.

Ví dụ, nếu bạn muốn đi du lịch ở Ý, thì hãy ngừng mơ mộng về nước Ý xinh đẹp và lập một kế hoạch tài chính rõ ràng cho việc này. Bạn cần biết số tiền bạn cần và tính toán số tiền bạn sẽ phải tiết kiệm mỗi tháng. Hay nếu muốn nghỉ hưu an nhàn hãy thực hiện việc xây dựng một kế hoạch tích lũy cụ thể và từng bước thực hiện mục tiêu đó ngay từ sớm.

Điều tương tự cũng đúng đối với các mục tiêu tài chính lớn hơn như trả hết nợ hoặc dài hạn hơn như mua nhà, mua xe… Bạn cần phải nghiêm túc và có kế hoạch nếu bạn mong muốn tiếp cận những mục tiêu dài hạn và bền vững hơn như xây dựng quỹ học vấn cho con, quỹ hưu trí cho tuổi già…

 

4. Đánh giá tình hình các khoản nợ

Nhiều cá nhân trở nên “tự mãn” về khoản nợ của họ sau khi họ bước vào tuổi 30. Đối với những người có khoản vay sinh viên, thế chấp, nợ thẻ tín dụng hay các hình thức vay tiền khác, trả nợ đã trở thành một cách sống khác, thậm chí có thể xem nợ là bình thường. Tuy nhiên, bạn nên chủ động đánh giá số nợ bạn có ngoài khoản thế chấp của mình và tạo ngân sách giúp bạn tránh nhận thêm bất kỳ khoản nợ nào nữa.

Có nhiều phương pháp để loại bỏ các khoản nợ, nhưng hiệu ứng “quả cầu tuyết” là phổ biến để giữ cho các cá nhân có động lực thực hiện hơn, đó là viết tất cả các khoản nợ của bạn từ nhỏ nhất đến lớn nhất, bất kể lãi suất. Sau đó, hãy trả khoản thanh toán tối thiểu cho tất cả các khoản nợ của bạn, ngoại trừ khoản nợ nhỏ nhất. Đối với khoản nợ nhỏ nhất, hãy đầu tư càng nhiều tiền càng tốt mỗi tháng. Mục tiêu là để những khoản nợ nhỏ này được trả trong vòng vài tháng và sau đó chuyển sang khoản nợ tiếp theo.

5. Thành lập một quỹ dự phòng khẩn cấp

Một quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp rất quan trọng đối với tài chính của bạn. Nếu bạn không có quỹ khẩn cấp thì sẽ có nhiều khả năng phải dùng đến các quỹ tiết kiệm để trả tiền cho những việc ngoài dự kiến.

Chuyên gia, tỷ phú John Paul DeJoria cũng đồng ý rằng, tạo quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt. Ngay từ khi còn trẻ, bạn nên xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp. Đây là số tiền tối thiểu mà tài khoản của bạn nên có. Bạn có thể trích ra từ lương hàng tháng để tạo quỹ khẩn cấp, từ mục tiêu nhỏ đến lớn. Một số cố vấn tài chính khuyên bạn nên có quỹ khẩn cấp tương đương 3 tháng chi phí sinh hoạt, một số người khác đề nghị 6 tháng. Riêng bạn có thể lựa chọn thời gian nhiều hoặc ít hơn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh.

Đánh giá bài viết

  1. Pingback: TOP 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam 2023

Comments are closed.