Đọc thêm: GrabFood hứa hẹn sẽ là đối thủ lớn của DeliveryNow tại Việt Nam
Quy tắc 6 cái lọ
Quy tắc 6 cái lọ được mô tả như sau: Hãy chia tiền của bạn ra thành 6 cái lọ, hoặc nói nôm na là 6 quỹ tài chính. 6 quỹ này hoàn toàn tách biệt riêng với nhau. Mỗi khi có một khoản thu nhập (lương, thưởng,…), hãy chia khoản tiền này thành 6 cái lọ, mỗi lọ sẽ tượng trưng cho một nhu cầu riêng.
Người sáng tạo ra quy tắc này tên là Harv Eker, ông cho rằng bất cứ ai cũng có thể sử dụng quy tắc 6 cái lọ không kể giàu nghèo. Điều quan trọng là hãy biến nó thành thói quen, một khi đã thuần thục, việc quản lý tài chính cá nhân của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều.
Lọ 1: Quỹ nhu cầu thiết yếu = 55%
Lọ 1 chứa khoảng 55% số tiền của bạn, nếu bạn kiếm được 100,000 VNĐ, hãy dành 55,000 VNĐ cho lọ này.
Đây là một quỹ giúp bạn đảm các nhu cầu thiết yếu hằng ngày như: Ăn uống, xăng xe, tiền điện thoại, nước, điện, quần áo, các chi phí thiết yếu trong gia đình. Nếu bạn không thể sống với 55% thu nhập của mình thì việc bạn cần không phải là tăng số tiền lên mà hãy giảm bớt nhu cầu sử dụng lại. Hãy học cách tiết kiệm điện, nước, giảm các khoản ăn uống thừa thãi, sử dụng xe bus thay cho taxi…
Lọ 2: Quỹ tự do tài chính = 10%
Quỹ tự do tài chính, hay còn gọi là quỹ “tự lập”. Nói rõ ra thì đây là quỹ dành khi bạn sống một cuộc sống như bạn mong muốn mà không nhất thiết phải làm việc hoặc phụ thuộc vào người khác. Nhiều người có thể về hưu sớm là nhờ họ được tự do tài chính.
Tiền của quỹ này chỉ dùng với một mục đích duy nhất, đó là đầu tư. Có thể coi như quỹ này để dùng cho những việc như: Gửi ngân hàng, đầu tư tài chính an toàn,…) và tạo ra thu nhập thụ động cho bạn. Nói cách khác, quỹ này giống như một con gà đẻ trứng vàng cho bạn, bạn càng nuôi nó lớn thì trứng nó đẻ ra sẽ càng giá trị, đặc biệt tuyệt đối không được giết gà.
Lọ 3: Quỹ tiết kiệm dài hạn = 10%
Tiết kiệm là gì? Quỹ tiết kiệm dài hạn được sử dụng cho mục đích khẩn cấp hoặc dài hạn. Ban đầu, bạn nên chia 5% cho mỗi mục đích sử dụng tiền quỹ này. Khi đã tiết kiệm đủ cho những trường hợp khẩn cấp (thường thì sẽ có giá trị bằng 6 tháng chi tiêu hằng ngày), thì ta có thể dùng số tiền thêm vào để tập trung cho những mục tiêu lâu dài như mua nhà, mua xe…
Chung quy lại, quỹ này chỉ sử dụng khi đã đặt ra mục tiêu dài hạn, hoặc có trường hợp cực kỳ khẩn cấp.
Lọ 4: Quỹ giáo dục đào tạo = 10%
Nếu muốn thu nhập bạn nhiều lên để có thể đáp ứng nhu cầu hằng ngày thì số tiền trong quỹ này sẽ được sử dụng để làm việc đó.
Đây là một quỹ giúp bạn tiết kiệm để tham gia các lớp học, đào tạo bản thân, mua sách vở,… Việc nâng cao giá trị của bản thân bạn sẽ giúp bạn có thể phát triển và kiếm được nhiều thu nhập hơn. Tuy nhiên không nên sử dụng quá nhiều tiền vào quỹ này, chỉ 10% là hợp lý bạn nhé!
Lọ 5: Quỹ hưởng thụ = 10%
Nếu chỉ làm việc mà không có thời gian chăm sóc bản thân, hưởng thụ cuộc sống thì bạn sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng stress, khó khăn trong công việc. Hãy sử dụng 10% cho một quỹ để tận hưởng các cảm giác của người giàu có, hoặc làm những gì mình thích như: Ăn món ăn đắt tiền, đi spa, đi du lịch…
Harv Eker khuyên bạn nên tiêu sạch tiền của quỹ này khi một tháng kết thúc. Tuy nhiên, nếu muốn tiết kiệm cho một chuyến du lịch hay một dịch vụ đắt đỏ, bạn có thể tích thêm tiền cho quỹ này trong một quý trước khi sử dụng.
Lọ 6: Quỹ sẻ chia = 5%
Tiền của quỹ này không dùng cho bản thân, mà sẽ cho đi, làm từ thiện, giúp đỡ bạn bè, người thân. Nếu bạn cho đi, bạn sẽ nhận lại nhiều hơn, đó là quy luật của cuộc sống.
Lời kết
Đó là quy tắc 6 cái lọ để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Congnghesohoa.com mong muốn các bạn sẽ học hỏi thêm được nhiều điều sau bài viết này. Nếu có gì góp ý, vui lòng để lại comment phía dưới.
Phan Anh