Sau khi đạt được nhiều thành công với dịch vụ vận chuyển, Grab quyết định trở thành một công ty công nghệ cung cấp hàng loạt dịch vụ tiêu dùng khác nhau như mua sắm, đặt đồ ăn và thanh toán không tiền mặt. GrabFood chính là bước đi đầu tiên của doanh nghiệp này. Dịch vụ này đã mở rộng thị trường thêm 5 quốc gia, 31 thành phố trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay thì GrabFood đã hoạt động ở Tp. HCM được 6 tháng, và mới được thử nghiệm tại Hà Nội vào ngày 5/9 nhưng đã có rất nhiều đối tác kinh doanh thực phẩm.
Grab còn cho biết thêm, hiện nay một đơn hàng tại dịch vụ giao hàng phổ biến là DeliveryNow có giá tối thiểu là 20.000 VNĐ. Trong khi đó, GrabFood không yêu cầu đơn hàng tối thiểu, bạn có thể đặt dưới 20.000 VNĐ vẫn có thể được giao đến tận nhà.
Một điểm mạnh nữa mà CEO Grab – ông Jerry Lim – cho hay, đó là thời gian trung bình để giao một đơn hàng của GrabFood chỉ khoảng 25 phút. Trong khi đó, con số này lên tới 30 phút đến 1 tiếng ở DeliveryNow, do mất thêm thời gian xác nhận, thông báo giao hàng.
Đặc biệt là giao diện của GrabFood rất thuận tiện sử dụng do được tích hợp trong ứng dụng Grab. Ta chỉ cần chọn mục Đồ ăn (Food), rồi chọn điểm giao hàng (thậm chí tự xác định được vị trí khách hàng và đề xuất hàng quán gần đó), chọn món ăn và đặt món.
Trong thời gian này, GrabFood chỉ hỗ trợ thanh toán bằng tiền mặt, các phương thức thanh toán khác sẽ được bổ sung trong tương lai. Ví điện tử GrabPay chính là một phương pháp đang được hướng tới sau GrabFood.
Ngoài ra, GrabFood còn có rất nhiều những chương trình ưu đãi theo giờ hoặc một số món đặc biệt chỉ có trên nền tảng này. Tuy vậy, để cạnh tranh với một nền tảng khổng lồ đã chiếm hoàn toàn thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam, GrabFood thực sự còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Đọc thêm: Abivin và tham vọng trở thành “Unicorn” trên đất Việt
Phan Anh