Được biết đến như là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất cả nước, công ty cổ phần Tập đoàn FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết(người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán năm 2017) luôn nằm trong top doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Với khoảng 6.827 tỷ đồng vốn điều lệ, FLC chỉ xếp sau ông trùm Vincom, cao hơn nhiều so với Đất Xanh, Phát Đạt hay Nhà Khang Điền.
Tổng số nợ lớn gấp 2 lần vốn chủ sở hữu
Là một thế lực về bất động sản nhưng tên tuổi của FLC gắn liền với những khu nghỉ dưỡng cao cấp, tiêu biểu có thể kể đến như: khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí FLC Quy Nhơn, FLC Halong Bay Golf Club & Luxury Resort, FLC Phú Quốc với hàng chục tỷ đồng vốn đầu tư.
Còn trong lĩnh vực nhà ở, chung cư, FLC còn kém xa các tên tuổi lớn như VinGroup, Novaland, … Một số dự án về nhà ở nổi bật của FLC hiện nay có thể kể đến như: Complex Phạm Hùng, FLC Landmark Tower và một số dự án khác đang trong giai đoạn triển khai ở Thanh Hóa. Những dự án này chỉ mức độ trung bình so với các dự án về nhà ở mà các tập đoàn lớn khác đang triển khai.
Để có tiền để đầu tư vào các dự án bất động sản của mình, FLC đã và đang thế chấp rất nhiều các dự án của mình với ngân hàng, như FLC Star Tower, Khu đô thị Đại Mỗ, FLC Samson Golflinks, …
Tính đến tháng 6 năm nay, tập đoàn FLC có tổng số nợ phải trả lên đến 17.600 tỷ đồng. Ngoài hơn 3.291 tỷ đồng người mua trả tiền trước tại các dự án, FLC đang có gần 4.080 tỷ tiền nợ vay tài chính, giảm hơn 250 tỷ so với hồi đầu năm.
Dù FLC đang tăng vốn chủ đầu từ rất nhanh từ mức 772 tỷ đồng năm 2012 lên 6.827 tỷ đồng ở hiện tại (Gấp gần 9 lần chỉ sau 6 năm), gia tăng nguồn vốn của chủ sở hữu lên 8 lần (hiện có giá trị khoảng 8.650 tỷ đồng), nhưng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sợ hữu đã lên tới 2,03 lần.
Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm
Báo cáo tài chính công khai của FLC cũng thể hiện thay đổi trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn này. Trong nhiều năm, doanh thu của FLC chủ yếu đến từ việc bán hàng và cung cấp các dịch vụ tại các dự án du lịch của mình, trong khi nguồn thu từ các dự án bất động sản chỉ chiếm khoảng 20%. Chỉ đến năm 2016, doanh thu từ bất động sản mới tăng vọt, đạt ngưỡng 60% tổng doanh thu hoạt động hợp nhất của FLC, năm 2017 cũng đạt xấp xỉ 50%, nhưng giá trị tuyệt đối đã tăng lên khoảng 5. 565 tỷ đồng.
Cũng từ đây mà tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sỡ hữu tăng đáng kể, trước đây luôn ở mức dưới 1 thì hiện tại đã đạt mức 2,03 lần. Doanh thu bất động sản tăng mạnh đồng nghĩa với việc nợ phải trả cũng công ty cũng tăng.
6 tháng đầu năm, đặc biệt là quý II, mảng kinh doanh bất động sản của tập đoàn tăng mạnh, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, doanh thu quý II lên tới gần 3.000 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2017, lợi nhuận gộp cũng tăng 110%, đạt 347 tỷ. FLC báo cáo lãi sau thuế trong quý II là 25,4 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, công ty ghi nhận 5.195 tỷ đồng doanh thu, tăng 110%, trong đó nguồn thu từ bất động sản chiếm 42%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 12%, đạt 125 tỷ đồng.
Rủi ro nợ tăng khi đầu tư vào lĩnh vực hàng không
Ngoài phát triển thêm các dự án bất động sản, FLC cũng công bố kế hoạch đầu tư vào ngành hãng không với Dự án vận tải Tre Việt (Bamboo Airways). Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng đã khẳng định sẽ có chuyến bay đầu tiên của Bamboo ngay trong năm nay.
Tổng số vốn đầu tư của dự án là 700 tỷ đồng, trong đó vốn của chủ sở hữu 100%. Mới đây, tập đoàn này cũng đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn điều lệ hãng hàng không này lên 1.300 tỷ.
Báo cáo tài chính quý II của tập đoàn đã thể hiện số tiền và các khoản tương đương tiền đạt trên 836 tỷ đồng.
Trong thời gian chờ đợi việc cấp phép bay, tập đoàn FLC đã ký hợp đồng mua mới 44 máy bay với tổng giá trị hợp đồng theo các hãng công bố là khoảng 8,6 tỷ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định đây là một dự án “đầy rủi ro” với nguy cơ “phơi thân trong nợ nần” của FLC.
Việt Anh