Chắc hẳn nếu là người Việt Nam thì ai cũng từng nghe về bộ luật an ninh mạng mới được thông qua ngày 12/6/2018. Bộ luật sẽ giúp siết chặt các nội dung đăng tải trên các trang mạng xã hội, mạng cá nhân như blog, website… Tuy vậy, để hiểu sâu về những mục tiêu sẽ chịu ảnh hưởng của luật an ninh mạng, mời các bạn đọc tiếp trong bài viết này.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong bộ luật an ninh mạng
1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:
Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này:
– Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.
– Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
– Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
– Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
Như ta thấy, các hành vi xuyên tạc, truyền tải thông tin sai sự thật, đồi truỵ, chống phá nhà nước sẽ bị quy định là vi phạm luật an ninh mạng. Do đó, trường hợp chia sẻ các nội dung trên Facebook bừa bãi rất dễ vô tình vi phạm luật. Hay đơn giản là sử dụng những từ ngữ không được cho phép, mang tính đả kích, phản động cũng được cấu thành trong tội.
Ảnh hưởng với các đối tượng bán hàng online
Trong điều 8 của bộ luật an ninh mạng, các thông tin của người dùng phải được cung cấp cho bộ công an nếu được yêu cầu. Điều này vi phạm chính sách về quyền riêng tư của Facebook nên rất có thể trong trường hợp xấu nhất, Facebook sẽ phải rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên chưa có nhiều thông tin về vấn đề này nên cứ coi như đây là một giả thiết.
Tuy nhiên nếu trường hợp Facebook tuân theo luật an ninh mạng ở Việt Nam. Thì các đối tượng bán hàng online sẽ không bị ảnh hưởng gì khi dự luật áp dụng. Trong luật ghi rõ chỉ những đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng mới được cấu thành tội trạng.
Nói tóm lại thì nếu chúng ta tôn trọng luật pháp và thực hiện đúng như các khoản trong bộ luật đề ra. Thì việc sinh hoạt trên mạng xã hội vẫn bình thường và không có gì phải sợ cả. Việc áp dụng luật an ninh mạng sẽ góp phần tạo nên không gian mạng sạch và giảm đi các trường hợp lừa đảo, bắt nạt online.
Đọc thêm: Kỹ thuật truy tìm tội phạm bằng dấu vân tay như thế nào?
Phan Anh