Đất thổ cư được sử dụng với mục đích chính là để ở, xây dựng nhà ở và các công trình phụ phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, đất thổ cư còn được sử dụng với một số mục đích khác nhau như đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp nhà nước,… Trường hợp đất vườn, ao gắn liền với nhà ở trong cùng một thửa đất hoặc gắn với nhà ở riêng lẻ thuộc khu dân cư thì cũng được coi là đất thổ cư.
Tách đất thổ cư chính là việc phân chia quyền sở hữu thửa đất đó cho đối tượng khác. Do đó việc tách thửa cần phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm mỗi bên đối với thửa đất đó.
1. Điều kiện để tách đất thổ cư
Căn cứ theo Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định về các điều kiện để thực hiện chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, tặng cho quyền sử dụng đất bao gồm:
Đất tách thửa phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 186 và Khoản 1 Điều 168 của Luật này.
Mảnh đất muốn tách thửa phải không có tranh chấp phát sinh.
Quyền sử dụng mảnh đất cần tách đang không bị kê biên nhằm đảm bảo việc thi hành án.
Mảnh đất đó vẫn còn trong thời hạn sử dụng đất.
Trường hợp diện tích tách thửa nhỏ hơn so với diện tích quy định thì cần tuân theo các quy định của Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn tách thửa đất nông nghiệp
2. Thủ tục tách thửa đất thổ cư
Hồ sơ cần chuẩn bị để tiến hành tách thửa đất thổ cư bao gồm:
Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo mẫu số 11/ĐK
Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp
Sau đó, bạn cần nộp bộ hồ sơ đã chuẩn bị tới Văn phòng đăng ký đất đai của Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện để được hướng dẫn về việc lập văn bản tách thửa và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tiếp theo, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện:
Tiến hành đo đạc địa chính để thực hiện tách thửa đất.
Lập hồ sơ trình Cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với thửa đất vừa mới tách hoặc hợp thửa cho người sử dụng.
Chỉnh lý, cập nhập biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người được cấp. Đối với trường hợp hồ sơ được nộp tại cấp xã thì gửi Giấy chứng nhận đó cho Ủy ban nhân dân cấp xã trao cho người sử dụng.
Tùy thuộc vào diện tích đất cần tách và giá đất tại thời điểm đó mà chi phí cho việc tách đất thổ cư sẽ khác nhau, có thể là vài triệu hoặc vài chục triệu.
Hy vọng với thông tin về điều kiện và thủ tục cần thực hiện để tách thửa đất thổ cư trên đây sẽ giúp ích được cho bạn đọc trong quá trình thực hiện tách đất thổ cư.
Phương Anh