Đất nông nghiệp là loại đất phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng,… Đôi khi đất nông nghiệp còn được gọi là đất canh tác hay đất trồng trọt.
Vậy Nhà nước quy định thế nào về điều kiện để được tách thửa đất nông nghiệp và thủ tục thực hiện như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
1. Điều kiện tách thửa đất nông nghiệp
Căn cứ theo Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định về diện tích tối thiểu của thửa đất được tách:
“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp đối với điều kiện cụ thể của từng địa phương”
Tức là, mỗi địa phương sẽ có quy định khác nhau về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể. Bạn ở địa phương nào thì lên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của địa phương đó hỏi về việc xác định và diện tích thửa đất được phép tách.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013 quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu.
“1. Thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Không được công chứng, chứng thực, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không được làm thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp Giấy chứng nhận thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề đề tạo thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới.”
Theo quy định trên, đất nông nghiệp khi tách thửa có diện tích nhỏ hơn so với quy định thì vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện về:
Thửa đất nông nghiệp đang sử dụng được hình thành trước ngày có văn bản quy định về diện tích đất tối thiểu do Ủy ban nhân dân cấp của thuộc địa phương đó công bố và có hiệu lực thi hành.
Thửa đất đó có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp thửa đất muốn tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu thì người xin tách thửa phải làm đơn xin tách thửa đồng thời với việc xin được hợp thửa đó với thửa đất khác liền kề nhằm tạo thành một thửa đất mới.
2. Hồ sơ xin tách thửa đất nông nghiệp
Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất bao gồm:
Đơn đề nghị tách thửa theo mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Văn bản thỏa thuận về việc chia tách thửa đất, chia tách quyền sử dụng đất và tài sản liên quan tới đất chung của hộ gia đình hoặc nhóm người sử dụng cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp người có nhu cầu xin tách thửa là tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài thì cần nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp người có nhu cầu tách thửa là cá nhân hoặc hộ gia đình thì nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường.
>>> Liên kết hữu ích: Hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Hy vọng với những thông tin về điều kiện để tách thửa đất nông nghiệp và hồ sơ chuẩn bị để xin tách thửa trên đã giúp bạn đọc có thêm kiến thức giúp quá trình thực hiện xin tách thửa của bạn được diễn ra nhanh chóng.
Phương Anh